Trang chủ > Đặc san > Kỉ luật nghiêm khắc tại các công ty Nhật có thật sự khó ưa?

Kỉ luật nghiêm khắc tại các công ty Nhật có thật sự khó ưa?

Kỉ luật nghiêm khắc tại các công ty Nhật có thật sự khó ưa?

on February 10th, 2017

Nhật Bản xưa nay vốn nổi danh là một xã hội rất kỉ cương, nơi những quy tắc vận hành cuộc sống một cách chặt chẽ như những bánh răng đồng hồ. Kỉ luật là một trong những điều cốt lõi trong văn hóa của các công ty Nhật, không chỉ trên đất nước mặt trời mọc mà còn theo các doanh nghiệp đi khắp năm châu. Tuy nhiên, tại những quốc gia có nền văn hóa khá cởi mở thì tính kỉ luật của các doanh nghiệp Nhật dường như lại trở thành một lồng giam ngột ngạt, thậm chí khiến nhiều người ngần ngại khi quyết định vào làm tại đây. Ở góc độ quản lý, người Nhật cho rằng nó đóng vai trò quan trọng để giữ gìn sự ổn định cho cả bộ máy. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của một nhân viên thì điều này có ý nghĩ như thế nào? Liệu nó có thật sự khó ưa?

Câu trả lời là: Không. Hãy cùng điểm qua một số tác dụng sau đây để tìm hiểu nguyên nhân nhé!


 

1. Kỉ luật đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhân viên

Điều này cũng giống như trong một xã hội pháp trị thì mọi công dân đều bình đẳng. Những quy định chi tiết và nghiêm ngặt giúp các nhân viên dễ dàng hình thành cách ứng xử thích hợp nhất, hạn chế những xung đột cá nhân nơi công sở do khác biệt về lối sống. Những sai lầm sẽ được giải quyết nhanh chóng theo quy định, tiết kiệm thời gian phân xử cho các nhà quản lý, đồng thời hạn chế tối đa sự thiên vị vốn chỉ tồn tại khi có sự mập mờ trong quy tắc làm việc. Điều này cũng tạo thuận lợi cho những nhân viên mới nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới hơn, vì khi những quy định đã bao trùm mọi vấn đề tại nơi làm việc thì những “quy tắc ngầm” cũng trở nên không còn cần thiết. Chỉ cần tuân thủ các quy định, người mới sẽ không sợ mắc phải những lỗi lầm “từ trên trời rơi xuống”.


2. Kỉ luật bảo vệ nhân viên khỏi các rủi ro trong công việc

Các doanh nghiệp Nhật rất coi trọng quá trình trao đổi thông tin giữa cấp dưới với cấp trên, việc này phần nào khiến nhiều nhân viên cảm thấy mất tự do và thiếu linh hoạt. Nhưng chính quá trình này giúp các nhân viên hạn chế rủi ro trong công việc bởi rủi ro có thể tiềm ẩn ngay ở những yêu cầu hay đề nghị tưởng như đơn giản và vô hại nhất từ phía đối tác mà nhân viên có thể chưa đủ kinh nghiệm để đề phòng. Không những vậy, ngay cả trong trường hợp rủi ro đã xảy ra thì nhân viên vẫn có thể khoanh vùng trách nhiệm của mình. Vậy nên việc tuân thủ quy tắc và thông báo với cấp trên là hết sức cần thiết.


3. Kỉ luật giúp tăng tính chủ động trong công việc

Trong những công việc mang tính quy luật tại công ty, những quy định đóng vai trò như kim chỉ nam trong quá trình làm việc của người nhân viên, giúp nhân viên dễ dàng ra quyết định hơn thay vì phải liên tục chờ chỉ đạo và hướng dẫn từ cấp trên. Điều này giúp hiệu suất làm việc được nâng cao, tiết kiệm thời gian cho cả nhân viên lẫn nhà quản lý.


Có thể dễ dàng thấy rằng kỉ luật giúp các nhân viên trong doanh nghiệp Nhật Bản tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức lực. Thay vì phải dành thời giờ cho những việc ngoài lề thì nhân viên có thể tập trung vào công việc hơn, từ đó họ có thể phát huy tối đa khả năng và sức sáng tạo của mình. Chỉ cần vượt qua được những bỡ ngỡ ban đầu với khối lượng quy định nhiều hơn bình thường, thì chắc chắn bạn sẽ có một môi trường làm việc thoải mái về lâu dài ở công ty Nhật. Vì vậy, thay vì coi kỉ luật như một gánh nặng thì bạn nên coi nó như một bệ đỡ vững chãi cho sự nghiệp của mình nhé.